PHÂN BIỆT NƯỚC MẮM NGUYÊN CHẤT VÀ NƯỚC MẮM PHA
Màu sắc, độ đạm và mùi vị là 3 tiêu chí cơ bản để nhận biết đâu là nước mắm nguyên chất và đâu là nước mắm đã qua pha chế. Màu sắc Sở dĩ chúng tôi nêu ra yếu tố màu sắc đầu tiên bởi đó là điểm mà bạn có thể quan sát […]
Màu sắc, độ đạm và mùi vị là 3 tiêu chí cơ bản để nhận biết đâu là nước mắm nguyên chất và đâu là nước mắm đã qua pha chế.
Màu sắc
Sở dĩ chúng tôi nêu ra yếu tố màu sắc đầu tiên bởi đó là điểm mà bạn có thể quan sát nhanh chóng bằng mắt thường. Khi kiểm tra mắm, bạn không nên xem xét trong tình trạng thiếu sáng. Hãy nói với người chủ cửa hàng cho mình mượn chai mắm và soi ra ngoài ánh sáng. Sau đó dốc ngược chai xuống, nếu bạn thấy nước trong thì ổn. Nếu bạn thấy có cặn xuất hiện thì tuyệt đối không nên mua.
Nước mắm nguyên chất là có màu vàng là dấu hiệu tốt để bạn có thể yên tâm bước đầu. Nhưng nếu nó có màu khác lạ, chẳng hạn như xanh xám thì bà nội trợ nên cẩn thận bởi có thể nó sẽ không an toàn. Tuy nhiên, cũng không nên nhầm lẫn giữa “màu khác lạ” và màu vàng của nước mắm bị sẫm lại so với lúc mới mua. Vì sau khi dùng một thời gian, màu sắc sẫm đi là dấu hiệu tự nhiên của nước mắm nguyên chất bạn nhé!
Độ đạm
Hàm lượng đạm là thông tin phản ánh chất lượng của nước mắm và nó luôn luôn nằm trên bao bì của sản phẩm. Đây cũng là một mẹo nhanh chóng để bạn phân biệt nước mắm thật – giả. Một sản phẩm có ghi rõ độ đạm trên nhãn mác chưa hẳn đã là hàng thật. Nhưng một chai mắm mà ngay đến cả thông số này cũng không có thì chắc chắn là mắm giả. Hoặc của cơ sở sản xuất kém uy tín và bạn phải tuyệt đối tránh xa.
Dưới đây là thông tin về độ đạm được căn cứ theo Tiêu chuẩn Việt Nam về nước mắm (TCVN 5107:2003) để bạn tham khảo:
Độ đạm >30No: Loại đặc biệt.
Độ đạm >25No: Loại thượng hạng.
Độ đạm >15No: Loại hạng 1.
Độ đạm >10No: Loại hạng 2.
Như vậy, độ đạm càng cao thì càng quyết định chất lượng của mắm. Bạn hoàn toàn có thể “vượt qua” khâu này bằng cách đọc thật kỹ nhãn mác của nhà sản xuất.
Mùi vị
Sau khi đã kiểm tra chất lượng an toàn của chai nước mắm thông qua cách kiểm tra màu sắc và độ đạm thì bước kế tiếp sẽ là mùi vị. Mùi vị không chỉ phản ánh chất lượng. Mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến độ ngon dở của món ăn. Vì thế bà nội trợ đảm đang không nên bỏ qua bước này.
Thông thường, nước mắm ngon thì sẽ mang một mùi vị thơm nhẹ, mặn ngọt hài hoà và bùi bùi. Mùi thơm lừng của mắm sẽ rất đặc trưng. Khi nếm mà vị ngọt đậm của nó thấm dần nơi cổ họng và dịu nhẹ thì là mắm ngon. Ngược lại, nếu bạn nếm thử mà thấy mặn chát một cách khó chịu ở đầu lưỡi. Đó có thể là do độ đạm thấp hoặc sử dụng chất phụ gia không đảm bảo.
Đầu bếp Võ Quốc, chủ biên tập chí Món ngon Việt Nam, chỉ ra những cách phân biệt nước mắm nguyên chất và nước mắm đã có sự pha chế.
Ông Quốc cho biết nước mắm nguyên chất có màu trong và hơi đậm. Trong khi đó, nước mắm pha có màu trong nhưng rất nhạt.
Mùi nước mắm nguyên chất khi ngửi thì nghe hơi nồng, còn mùi của nước mắm pha thơm nhạt và nhẹ hơn.
Một cách thử khác là nước mắm nguyên chất khi dính vào tay thì rửa không hết mùi, còn nước mắm pha rửa xong sẽ mất mùi ngay.
Hơn nữa, hạn sử dụng của nước mắm nguyên chất là 2-3 năm, lâu hơn so với các loại nước mắm pha.
“Thành phần các loại nước mắm pha thường có các chất điều vị, chất bảo quản được in rõ ràng trên bao bì sản phẩm. Người tiêu dùng nên chú ý điều này” – đầu bếp Võ Quốc đưa ra lời khuyên.