Những cú bứt phá lịch sử của ‘sếu đầu đàn’

Những cú bứt phá lịch sử của ‘sếu đầu đàn’

Từ những doanh nghiệp tư nhân nhỏ bé vài thập niên trước, giờ đây Việt Nam đã có những “sếu đầu đàn” vươn tầm khu vực và thế giới, từ công nghệ, sản xuất đến tài chính, bán lẻ. Trong hơn một thập niên qua, nền kinh tế Việt Nam chứng kiến sự vươn lên mạnh mẽ […]

Từ những doanh nghiệp tư nhân nhỏ bé vài thập niên trước, giờ đây Việt Nam đã có những “sếu đầu đàn” vươn tầm khu vực và thế giới, từ công nghệ, sản xuất đến tài chính, bán lẻ.

Trong hơn một thập niên qua, nền kinh tế Việt Nam chứng kiến sự vươn lên mạnh mẽ của các tập đoàn tư nhân, không chỉ dẫn dắt thị trường trong nước mà còn ghi dấu ấn trên bản đồ kinh tế thế giới. Từ những xuất phát điểm khiêm tốn, họ đã vượt qua nhiều thách thức nhờ chiến lược táo bạo và đổi mới không ngừng, trở thành những “sếu đầu đàn” thúc đẩy nền kinh tế hội nhập sâu rộng.

“Sếu đầu đàn” – những tập đoàn cả trăm ngàn tỉ đồng

VinFast, thương hiệu xe điện của Tập đoàn Vingroup, là một minh chứng tiêu biểu. Chỉ sau chưa đầy bảy năm từ khi xây dựng nhà máy tại Hải Phòng, VinFast đã có mặt tại Mỹ, châu Âu và liên tục mở rộng hệ sinh thái xe điện.

Năm 2024, VinFast đạt doanh số gần 97.400 xe, tăng 192% so với năm trước, vượt xa mục tiêu đề ra. Thành công này không chỉ đến từ thị trường trong nước mà còn từ các thị trường quốc tế, nơi VinFast đang dần khẳng định vị thế của một thương hiệu xe điện mới nổi nhưng đầy tiềm năng. Dù còn nhiều thách thức, việc mở rộng mạng lưới bán hàng, đầu tư nghiên cứu và xây dựng nhà máy tại Mỹ, Indonesia, Ấn Độ… cho thấy chiến lược bài bản để trở thành thương hiệu xe điện toàn cầu.

Ông lớn bán lẻ và tiêu dùng – Tập đoàn Masan không ngừng khẳng định vị thế trong lĩnh vực bán lẻ và sản xuất thực phẩm tiêu dùng. Với chiến lược mở rộng chuỗi siêu thị WinMart, WinMart+ và đầu tư vào các thương hiệu thực phẩm như Nam Ngư, Omachi, Chinsu, Masan đã phủ sóng khắp các tỉnh, thành, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng Việt.

Năm 2024, Masan ghi nhận doanh thu 90.000 tỉ đồng, tăng 20% so với năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 5.500 tỉ đồng, con số ấn tượng trong bối cảnh thị trường bán lẻ đầy cạnh tranh. Đặc biệt, Masan đang đẩy mạnh tích hợp công nghệ số vào hệ thống bán lẻ, hướng đến xây dựng hệ sinh thái tiêu dùng – tài chính – công nghệ, giúp khách hàng không chỉ mua sắm mà còn tiếp cận các dịch vụ tài chính số một cách tiện lợi.

FPT không còn là một DN công nghệ nội địa mà đã trở thành tập đoàn tiên phong trong lĩnh vực chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo (AI) và bán dẫn. Với tham vọng đưa Việt Nam trở thành trung tâm công nghệ khu vực, FPT đầu tư mạnh vào nghiên cứu AI, phát triển phần mềm và xuất khẩu dịch vụ công nghệ thông tin ra hơn 30 quốc gia.

Năm 2024, FPT đạt doanh thu gần 63.000 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế trên 11.000 tỉ đồng, tăng trưởng hơn 20% so với cùng kỳ. Đặc biệt, lĩnh vực AI và bán dẫn mở ra cánh cửa mới khi tập đoàn này liên tục hợp tác với các đối tác lớn tại Mỹ, Nhật Bản và châu Âu.

Nhiều tập đoàn tư nhân vươn lên mạnh mẽ, không chỉ dẫn dắt thị trường trong nước mà còn ghi dấu ấn trên bản đồ kinh tế thế giới. Ảnh: Masan

Tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ cho nền kinh tế

Sự trỗi dậy của các tập đoàn tư nhân hàng đầu không chỉ mang lại lợi ích cho riêng họ mà còn tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ cho nền kinh tế. Các DN này đóng góp hàng trăm ngàn tỉ đồng vào GDP mỗi năm, tạo việc làm cho hàng triệu lao động, thúc đẩy các ngành công nghiệp phụ trợ và nâng cao vị thế của DN Việt trên trường quốc tế.

Nhưng không có thành công nào là ngẫu nhiên, đặc biệt đối với những DN đang tiên phong trong các lĩnh vực đầy thách thức. VinFast quyết tâm theo đuổi thị trường ô tô điện với tham vọng trở thành thương hiệu toàn cầu, bất chấp những hoài nghi ban đầu. Masan mạnh dạn mở rộng chuỗi bán lẻ và thực phẩm tiêu dùng với chiến lược khép kín chuỗi cung ứng, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng. Trong khi đó, FPT không ngừng đầu tư vào công nghệ lõi, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo và bán dẫn, để đón đầu xu hướng công nghệ thế giới.

Điểm chung của họ là tầm nhìn dài hạn và sự kiên định trong từng bước đi. Khi đối mặt với khó khăn, thay vì chùn bước, họ kiên trì tìm giải pháp, điều chỉnh chiến lược nhưng không từ bỏ mục tiêu ban đầu. Đây là bài học lớn nhất cho các DN tư nhân khác trên hành trình vươn tầm.

Thị trường không ngừng thay đổi và những DN dẫn đầu là những người biết cách thích ứng nhanh nhất. VinFast đã điều chỉnh chiến lược khi bước ra thế giới, mở rộng hệ sinh thái xe điện, từ xe hơi, xe máy đến xe buýt, đồng thời thiết lập mạng lưới sạc trên toàn cầu. Masan từng bước số hóa hệ thống bán lẻ, tích hợp công nghệ vào mô hình kinh doanh để tối ưu hóa trải nghiệm của khách hàng. FPT không ngừng mở rộng thị trường nước ngoài, đưa sản phẩm công nghệ “Make in Vietnam” ra toàn cầu.

Thành công của họ chứng minh rằng khả năng đổi mới liên tục là yếu tố sống còn. DN nào chậm chân sẽ bị bỏ lại phía sau.

Một điểm chung khác giữa các DN tiên phong là họ không chỉ đầu tư vào tài sản hữu hình, mà còn đặc biệt chú trọng vào con người và công nghệ. Họ hiểu rằng muốn đi xa, cần có đội ngũ nhân lực tinh hoa và nền tảng công nghệ vững chắc.

VinFast xây dựng trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) tại Mỹ, Đức, Hàn Quốc để thu hút nhân tài toàn cầu. Masan hợp tác với các tập đoàn nước ngoài nhằm nâng cao công nghệ chế biến thực phẩm. FPT đào tạo hàng ngàn kỹ sư công nghệ mỗi năm, đặt mục tiêu đưa Việt Nam trở thành trung tâm công nghệ khu vực.

Bài học rút ra là muốn cạnh tranh trong nền kinh tế hiện đại, DN phải tập trung vào giá trị cốt lõi: Nhân lực và công nghệ. Đây là hai yếu tố quyết định sự bền vững và khả năng bứt phá trong dài hạn.•

uyen

Related post